Chi tiêu tiết kiệm là đề tài được rất nhiều người quan tâm dù thu nhập cao hay thấp. Với Kakeibo, bạn có thể dễ dàng quản lý chi tiêu mà không cần quá nhiều phần mềm hay phương pháp phức tạp.
Nói về tiết kiệm, Nhật Bản được xem là nơi có nhiều phương pháp và cách tiết kiệm hiệu quả. Một trong những cách tiết kiệm dễ dàng và được nhiều người áp dụng chính là Kakeibo.
Tầm quan trọng của việc chi tiêu tiết kiệm
Tạo ra thu nhập và chi tiêu như thế nào chính là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến khả năng kinh tế trong tương lai. Việc kiếm tiền, gia tăng thu nhập theo thời gian tuy rất quan trọng, nhưng sử dụng tiền một cách thông minh cũng không phải là việc dư thừa. Có những người thu nhập không quá cao, nhưng nếu biết cách chi tiêu tiết kiệm, họ vẫn có thể thực hiện những kế hoạch tương lai như mua nhà, mua đất hay du lịch nước ngoài…
Phương pháp chi tiêu tiết kiệm Kakeibo
Kakeibo được phát âm là “kah-keh-boh”, trong tiếng Nhật có nghĩa là nhật ký thu chi. Thực chất phương pháp Kakeibo không có gì xa lạ, nó chỉ đơn giản là việc bạn ghi chép lại thu chi định kỳ và trả lời một số câu hỏi.
Cụ thể, để thực hiện phương pháp Kakeibo, bạn cần một quyển sổ tay hay nhật ký chi tiêu. Trong quyển sổ này, bạn sẽ ghi chép các khoản thu nhập và các khoản chi tiêu. Hoàn toàn không cần sử dụng ứng dụng công nghệ, phần mềm hay giải pháp gì đặc biệt.
Nghe qua thì có vẻ bình thường, vậy phương pháp này có gì khác biệt khiến nó được ca ngợi như vậy?
Về nguồn gốc, Kakeibo là giải pháp tiết kiệm được nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản, cô Hani Motoko, giới thiệu cho các bà nội trợ nhằm mục đích quản lý ngân sách của gia đình.
Để sử dụng phương pháp này hiệu quả, trước tiên bạn phải thay đổi suy nghĩ và hiểu được rằng “tiết kiệm tiền là tiêu tiền hợp lý”. Bởi nếu cứ suy nghĩ đến niềm vui khi được tiêu xài cho những sở thích mình muốn, bạn sẽ luôn trong tình trạng túng thiếu và không có khoản tiết kiệm nào. Chuyển sự tập trung từ niềm vui khi mua sắm, sang niềm vui khi tiết kiệm được nhiều hơn chính là cốt lõi của việc chi tiêu tiết kiệm.
Cách thực hiện Kakeibo: Theo dõi và phản hồi
Ngoài việc ghi chép lại những khoản chi, bạn phải trả lời những câu hỏi để thực hiện phương pháp này.
Một chu trình Kakeibo dựa vào bốn câu hỏi:
- Bạn có sẵn bao nhiêu tiền?
- Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?
- Bạn đang tiêu bao nhiêu tiền?
- Bạn có thể cải thiện bằng cách nào?
Câu hỏi thứ tư chính là điểm mấu chốt khiến Kakeibo đặc biệt hiệu quả hơn vì nó giúp bạn chủ động nhìn ra những vấn đề trong chi tiêu và cải thiện.
Ngoài ra, vào cuối mỗi tháng bạn cũng sẽ phải trả lời một loạt câu hỏi mang tính chất phản hồi:
- Tháng này, bạn đã đạt được mục tiêu tiết kiệm đề ra chưa?
- Bạn đã tìm ra cách nào để tiết kiệm tiền?
- Bạn đã tiêu quá nhiều tiền vào hạng mục nào?
- Bạn sẽ thay đổi điều gì vào tháng tới?
Tác dụng tích cực nhất của giải pháp này chính là giúp bạn “toàn tâm toàn ý suy nghĩ” đến các kế hoạch và mục tiêu tiết kiệm thay vì phó thác chúng cho những app hay phần mềm hiện đại và lãng quên chúng. Việc viết tay tuy khá truyền thống nhưng luôn được xem là có hiệu quả hơn khi giúp con người ghi nhớ và tập trung.
Thực hàng dùng sổ Kakeibo
Cụ thể, bạn có thể thực hành phương pháp này ngay chỉ với những bước đơn giản:
B1: Ghi lại thu nhập cá nhân và những khoản chi tiêu cố định mà chắc chắn bạn phải thanh toán (tiền thuê nhà, tiền điện nước, Internet, …) để bạn biết được số tiền còn lại mình có thể tiêu trong tháng này là bao nhiêu.
B2: Xác định số tiền bạn muốn để dành trong tháng và cất riêng khoản này. Cố gắng đừng động vào số tiền này.
B3: Trong những trang tiếp theo của cuốn sổ, hãy ghi lại những chi tiêu của bạn theo bốn phân loại dưới đây:
Thiết yếu: Những chi tiêu dành cho thực phẩm, dược phẩm, di chuyển, con trẻ…
Có thể lựa chọn: Những chi tiêu dành cho đi cafe, nhà hàng, mua đồ ăn sẵn, mua sắm…
Văn hóa tinh thần: sách, nhạc, các buổi biểu diễn, xem phim, tạp chí…
Ngoài dự kiến: Quà tặng, hiếu hỉ, sửa chữa…
B4: Xây dựng mục tiêu tài chính của tháng (Ví dụ: Bắt đầu kế hoạch tiết kiệm cho hưu trí)
B5: Xây dựng “cam kết” tài chính của tháng (Ví dụ: di chuyển bằng phương tiện công cộng hay đi xe đạp 2 ngày trong tuần…)
B6: Vào cuối tháng, hãy kiểm tra lại hai con số tiết kiệm và chi tiêu của bạn. Nghĩa là hãy so sánh số tiền ban đầu bạn định ra cho chi tiêu của tháng và những gì bạn đã thực sự chi. Sự chênh lệch này chính là số tiền bạn tiết kiệm thêm được cho tháng đó (không kể tới khoản tiết kiệm được nhắc đến ở bước 2).
Vui lòng ghi rõ nguồn https://nguoibanvang.vn khi sử dụng nội dung của chúng tôi. Trân trọng!